Lễ Trung nguyên(lễ Vu Lan) ở Đài Loan là gì?

18/01/2022
Ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm - ngày "Xá tội vong nhân" và cũng là ngày lễ Vu Lan báo hiếu là một ngày lễ truyền thống quen thuộc của người dân châu Á và được coi là ngày "đại lễ" không thể thiếu tại Đài Loan.

Lễ Trung nguyên ở Đài Loan chính là ngày lễ Vu Lan, báo hiếu ở Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.

Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, theo tục truyền của Đài Loan gọi là “ tháng quỷ “, trong tháng này theo truyền thuyết các âm hồn đều rời cõi âm trở về dương thế, cho nên trong khoảng thời gian này cũng có một số những điều cấm kỵ, chẳng hạn như kỵ đi xa, kỵ xuống nước, kỵ cưới hỏi .v.v…

Người Đài Loan vẫn luôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống "Thả đèn hoa đăng" vào dịp rằm tháng 7 để soi sáng đường cho những oan hồn dưới nước, gọi các linh hồn dưới cõi âm lên mặt đất để hưởng đồ cúng, đồng thời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được đầu thai sang kiếp khác.

Để giúp đỡ các cô hồn được sớm siêu thoát, kể từ ngày mồng 1 tháng 7, khắp nơi đều tổ chức các buổi cúng bái phổ độ, chuẩn bị các lễ vật phong phú để cúng bái cho các âm hồn, và trong đó, lễ trung nguyên là ngày có quy mô lớn nhất .

Chiếc xe chất đầy hoa quả trong đám rước ma diễu hành trên phố.

Múa lân trong đám rước ma ở Đài Loan.

Truyền thuyết về lễ Trung nguyên Đài Loan

Truyền thuyết dân gian cho rằng, từ mùng 2/7 (âm lịch), Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan. Các ma quỷ sẽ túa ra tứ phương và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá. Đó cũng chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.

Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thuỷ là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật”: 15/1 là Thượng Nguyên, 15/7 là Trung Nguyên và 15/10 là Hạ Nguyên.

Truyền thuyết về Tam Nguyên Nhật

Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết về Tam Quan và thường người ta ghép Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan vào Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ. Thiên Quan (Nghiêu Đế) chủ về ban phúc nên rất được dân gian tín phụng. Thủy Quan (Vũ Đế) chủ về trị thủy, làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Còn Địa Quan (Thuấn Đế) chia Trung Quốc thành 12 châu, làm cho dân chúng có cuộc sống ổn định. Hơn nữa vua Thuấn lại là người con chí hiếu nên Tam Nguyên Nhật cũng còn được gọi là “Lễ báo hiếu”. Thời cổ, vào ngày lễ báo hiếu, người Trung Quốc giết dê, gà và đốt hương, hóa vàng để tế ông bà tổ tiên, rồi dần dần được mở rộng ra thành ngày phổ độ cho cả ‘cô hồn’ và từ đó mang tên gọi “Trung Nguyên phổ độ”.

Ngày 15/7 cũng chính là lễ Vu Lan của Phật giáo. Như vậy, lễ Vu Lan và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc nói chung và người xứ Đài nói riêng là không hoàn toàn giống nhau.

0 bình luận, đánh giá về Lễ Trung nguyên(lễ Vu Lan) ở Đài Loan là gì?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi

Thêm đánh giá

Thông tin người gửi
0.76904 sec| 849 kb